"Việc chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội, Quốc hội và cử tri" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Không ít doanh nghiệp (DN), nhất là những công ty đa quốc gia có doanh thu "khủng", liên tục mở rộng kinh doanh nhưng vẫn kêu lỗ triền miên. Các cơ quan chức năng cho rằng đây là hiện tượng chuyển giá, hiểu nôm na đây là hành vi trốn thuế. Việc không thu được thuế của nhiều công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam (VN) cũng đồng nghĩa đổ gánh nặng thuế lên người dân và tạo ra môi trường kinh doanh thiếu công bằng.
Để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Trong đó có nhiều thay đổi lớn đặc biệt về giao dịch liên kết và hoạt động Internet giao dịch xuyên biên giới.
Nhiều "chiêu" chuyển giá
Trong suốt một thời gian dài ngành thuế đau đầu với việc quản lý thuế đối với hai DN có liên kết với nước ngoài là Grab và Uber. Cụ thể, theo Cục Thuế TP.HCM, Grab có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỉ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại VN vào tháng 2-2014 tới nay. Lý do lỗ Grab đưa ra là chi phí quảng cáo, khuyến mãi rất lớn. Tuy nhiên, qua hoạt động thanh tra, Cục Thuế TP.HCM truy thu thuế đơn vị này gần 2,3 tỉ đồng.
Mới đây, Uber cũng bị Cục Thuế TP.HCM truy thu số thuế hơn 66,8 tỉ đồng. Sau đó Uber đã cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế của mình đầy đủ và chính xác.
Hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang gặp lúng túng trong việc thu thuế của Google, Facebook, Apple... Ảnh: HTD
Đầu tư và hoạt động hơn 10 năm ở VN nhưng hai ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ là Big C và Metro kê khai lỗ triền miên trong khi liên tục mở rộng hoạt động. Mãi đến năm 2015, Metro mới bị ngành thuế phát hiện chuyển giá. Sau một thời gian kiên quyết đấu tranh, Bộ Tài chính đã chính thức thu được của đơn vị này 1.900 tỉ đồng tiền thuế. Cơ quan thuế cũng đã tiến hành thanh tra chuyển giá Big C. Sau đó đơn vị này cũng phải nộp toàn bộ số thuế chuyển nhượng vốn hơn 2.000 tỉ đồng sau khi được tập đoàn bán lẻ Thái Lan mua lại.
Nhiều đại gia khác như Google, Facebook, Apple… cũng đang khiến các cơ quan quản lý VN gặp khó trong việc quản lý thuế.
Một lãnh đạo ngành thuế cho biết các công ty kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức như công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với giá cao hơn giá thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con ở VN.
"Công ty con ở VN thực hiện hoạt động gia công hoặc bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thị trường, hạch toán vào chi phí tại VN một số khoản mục về quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, mở rộng thị trường, chi phí lãi vay... Thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải. Mục đích của các giao dịch nêu trên là nhằm tối thiểu hóa việc phát sinh thu nhập chịu thuế tại VN" - vị này giải thích.
Bịt lỗ hổng
Để bịt các lỗ hổng chuyển giá và trốn thuế, trong dự thảo Luật Quản lý thuế vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất truy thu thuế của Google, Facebook... Cụ thể, theo đại diện Bộ Tài chính, hoạt động của mạng Internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại VN. Như vậy, khi thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan chức năng cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Apple... khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở VN.
Đáng chú ý, tại dự thảo trên, Bộ Tài chính đưa vào quy định người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết bằng các phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập (giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại VN) nhằm ngăn chặn việc chuyển giá và trốn thuế.
Bình luận về vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc hoàn chỉnh hành lang pháp lý để ngăn chặn trốn thuế, chuyển giá là cần thiết. Bởi không có lý do gì những người kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng thuế, còn các đại gia có doanh thu "khủng" lại không.
Việc dự thảo Luật Quản lý thuế quy định "khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can…" là nội dung rất mới. Nếu áp dụng nội dung này có thể sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng chuyển giá trốn thuế.
Chuyên gia thuế NGUYỄN THÁI SƠN
Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, nhận xét dự thảo luật còn quy định chung chung trong khi việc xác định giao dịch liên kết không dễ. Ví dụ công ty A ở Mỹ nhưng thành lập nhiều công ty như công ty B ở Pháp, công ty C ở Anh, công ty D ở VN… Trong trường hợp này rất khó xác định liên kết giữa công ty D với công ty B, C ngay cả khi có giao dịch mua bán.
Do vậy, luật sư Xoa đề nghị cơ quan thuế trong nước cần chọn một số đại gia có dấu hiệu trốn khoản thuế lớn để mua bảng giá quốc tế nhằm xác định giá giao dịch liên kết. Bảng giá đó sẽ như một "chứng cứ" để đưa ra so sánh với giá giao dịch của DN và đưa ra giá tính thuế thuyết phục, ngăn chặn chuyển giá trốn thuế.
Một số chuyên gia cũng đề nghị ngoài hoàn thiện khung pháp lý, các cơ quan chức năng có thể khởi kiện các công ty đa quốc gia ra tòa như Ấn Độ đã từng làm với Coca-Cola khi công ty này có dấu hiệu chuyển giá. Bởi VN "trải thảm đỏ" mời nhà đầu tư đến đầu tư nhưng cũng kiên quyết nói không với trốn thuế.
Truy thu hàng ngàn tỉ đồng chuyển giá
Trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 16-11 vừa qua về tình trạng chuyển giá có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định đây là vấn đề bức xúc của xã hội, Quốc hội và cử tri. Năm 2016, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.406 DN có vốn đầu tư nước ngoài và truy thu, truy hoàn và phạt 1.310 tỉ đồng. Năm 2017 tiến hành thanh tra, kiểm tra với 1.288 DN, truy thu tổng số 3.085 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 6.000 tỉ đồng.
Cũng theo ông Dũng, việc chuyển giá diễn ra ngay từ khâu đầu tư như trang thiết bị, máy móc giá rẻ nhưng kê khai giá cao, đưa vào sau này trích khấu hao. "Có thể thấy tất cả các khâu quá trình đầu tư của DN FDI vào nước ta đều có thể xảy ra chuyển giá nên cần có sự phối hợp của các ngành" - Bộ trưởng Dũng nói
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét