Để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cho rằng cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng và giảm dần lãi suất cho vay.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng nay (22/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo sáng 22/5. (Ảnh: VGP). |
Trong đó, tính đến ngày 20/4/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%).
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,01%).
Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,86% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 2,99%). Huy động vốn vốn và tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng đầu năm.
Mặt bằng lãi suất thị trường trong thời gian qua cơ bản được giữ ổn định. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định, hầu như không đổi trong quý I/2017. Việc điều chỉnh lãi suất của Fed trong tháng 3/2017 chưa ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất huy động và cho vay USD trong nước.
Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất đến mức 2,9% vào năm 2019, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với VNĐ thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, làm tăng nợ công của Chính phủ, kiều hối sẽ tiếp tục giảm,... ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.
Để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cho rằng cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng và giảm dần lãi suất cho vay.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao tỷ trọng tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.
Ngoài ta, nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Mặt khác, liên quan đến việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành trung ương và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Mặt bằng lãi suất cần được đảm bảo ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, nhất là các lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét