Trung Quốc là nơi tiêu thụ rau quả lớn nhất, chiếm trên 75% thị phần xuất khẩu của Việt Nam nhưng doanh nghiệp, nông dân trong nước vẫn chưa hiểu nhiều về thị trường này
Ngày 6-12, tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây" tổ chức tại tỉnh Tiền Giang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết xuất khẩu rau quả năm 2017 dự báo đạt mức kỷ lục với khoảng 3,6 tỉ USD, trong đó chủ lực là trái cây. Tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,16 tỉ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm 75,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (3,6%), Mỹ (2,9%).
Khắt khe về bao bì
Theo ông Doanh, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 800 triệu USD, đến nay đây là ngành có tốc độ bứt phá mạnh mẽ, bền vững. Tương lai ngành còn có rất nhiều dư địa để phát triển khi tổng giá trị thương mại toàn cầu trong 10 năm qua đã tăng gấp 2 lần, hiện ở mức khoảng 230 tỉ USD do người tiêu dùng có xu hướng giảm ăn tinh bột, đạm và chuyển sang tiêu thụ trái cây.
Chuối Việt Nam dành cho phân khúc cao cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ông Doanh thừa nhận Trung Quốc là thị trường rộng lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Do đó, kế hoạch sắp tới của ngành là tổ chức thị trường với định hướng phân phối theo chuỗi để sản phẩm mang nhãn mác của Việt Nam. Ông Doanh chia sẻ thực tế là nhiều trái cây Việt Nam được đóng thùng thô sơ, khi đến biên giới, thương nhân nước này mới phân loại và đóng gói lại làm gia tăng giá trị gấp 3 lần.
Theo Bộ NN-PTNT, thanh long là trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng doanh nghiệp (DN) phần lớn chỉ làm dịch vụ xuất khẩu, không có liên kết với cơ sở trồng, bao bì không mang tên DN. Vì vậy, khi thanh long đến người tiêu dùng Trung Quốc đã mang bao bì, nhãn mác của DN nước này.
Cần đáp ứng yêu cầu của thị trường
Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trước khi chuyển đi tiêu thụ trên phạm vi rộng hơn. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, trái cây nhập khẩu cơ bản được hưởng thuế suất 0% nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý 2 nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của Trung Quốc. Ngoài ra, mặt hàng này còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, có thể coi là rào cản của họ để bảo hộ sản xuất trong nước.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đánh giá hiện tất cả trái cây tươi đều có thể xuất khẩu qua đường biên mậu. Tuy nhiên, về xuất khẩu chính ngạch, chỉ có 8 loại quả được cấp phép gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. "Vừa qua, Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) gửi thông báo đến Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo về việc phát hiện một số lô trái cây Việt Nam vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Trung Quốc cũng cảnh báo Việt Nam về việc không tuân thủ việc ghi nhãn (phải ghi tên sản phẩm và xuất xứ, cơ sở đóng gói hoặc ký mã hiệu bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh - PV) khiến nước này không truy nguyên được nguồn gốc lô hàng. Đặc biệt, AQSIQ muốn sang Việt Nam kiểm tra vùng trồng, nhà máy đóng gói trái cây và tương lai có thể sẽ quản lý nhập khẩu mặt hàng này theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc như các thị trường Mỹ, Nhật Bản đang áp dụng. Do đó, các vùng trồng, DN cần nắm thông tin để sản xuất theo yêu cầu thị trường" - ông Thiệt khuyến cáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét