Một tập đoàn nông nghiệp tư nhân Việt Nam đã trúng thầu trọn vẹn 60.000 tấn gạo lứt hạt tròn sang Hàn Quốc với giá tốt. Hợp đồng này được kỳ vọng sẽ giúp tình hình tiêu thụ gạo hạt tròn của Việt Nam sôi động hơn trong thời gian tới.
Nguồn tin của Dân Việt cho biết, Công ty CP Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp) vừa trúng thầu hợp đồng cung cấp 60.000 tấn gạo hạt tròn Japonica và 2.800 tấn gạo trắng hạt dài cho Hàn Quốc.
Theo đó, có 2 lô hàng gạo hạt tròn Japonica khối lượng 20.000 tấn/lô giá 638 USD/tấn, 1 lô khối lượng 20.000 tấn giá 648 USD/tấn, giao tới các cảng Incheon, Ulsan và Masan của Hàn Quốc. Thời gian giao hàng muộn nhất đến giữa tháng 9.2018.
Trong khi đó, lô 2.800 tấn gạo trắng hạt dài có giá 513USD/tấn, giao đến cảng Busan trong tháng 12 tới. Số gạo trúng thầu trên được ký qua 1 doanh nghiệp thuộc Chính phủ Hàn Quốc là Công ty Nông Thủy sản Hàn Quốc.
Một tập đoàn tư nhân của Việt Nam vừa trúng thầu xuất khẩu 60.000 tấn gạo hạt tròn sang thị trường Hàn Quốc.
Như vậy, với thương vụ 60.000 tấn gạo Japonice lần này, tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Tân Long đã trúng 110.000 tấn gạo Japonica bán cho Chính phủ Hàn Quốc. Trước đó, hồi tháng 5.2018, đơn vị này cũng đã trúng thầu 50.000 tấn gạo Japonica cho đối tác Hàn Quốc.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, hợp đồng xuất khẩu gạo hạt tròn Japonica sang Hàn Quốc lần này có thể giúp tình hình tiêu thụ loại gạo này sôi động hơn trong thời gian tới.
Năm 2017, Việt Nam cũng thắng 2 đợt thầu tại Hàn Quốc và đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng với tổng số lượng hơn 41.000 tấn gạo thành phẩm.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn của ngành lúa gạo ĐBSCL hiện vẫn là giá gạo trắng, gạo thường các loại trong nước đang ngày càng giảm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường không lớn. Việt Nam cũng đang chịu áp lực lớn từ các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan hay việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gạo tại An Giang nhận định, nông dân trồng lúa và các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam đang chờ kết quả các đợt đấu thầu xuất khẩu gạo cho Indonesia và Philippines trong thời gian tới. Đây là những tín hiệu mua ít ỏi trong vụ hè thu này.
Cụ thể, hôm qua (12.7), Cơ quan An ninh lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết, họ sẽ xin phép nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để đảm bảo đầy đủ nguồn cung và giá cả ổn định cho thị trường nội địa. Theo đó, các lô hàng sẽ đến Philippines vào tháng 12 năm nay.
Với kế hoạch nhập khẩu gạo lần này, Philippines sẽ cho doanh nghiệp của họ mua trước theo hợp đồng tư nhân trong chỉ tiêu 293.000 tấn. Dự kiến sẽ mở thầu gạo thường G2G (Chính phủ - Chính phủ) và G2P (Chính phủ - Tư nhân) vào tháng 9 hoặc 10 tới, giao hàng đến tháng 12. Trong khi đó, Indonesia dự kiến sẽ mời thầu xuất khẩu gạo số lượng lớn trong tháng 7 này.
Giá lúa gạo trong nước đã có phần giảm mạnh trong những ngày qua, khi tín hiệu mua từ thị trường khá yếu ớt.
Trên thị trường thế giới, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện đang ổn định ở mức 388 - 392USD/tấn, không đổi so với tuần trước trong khi nhu cầu mua từ Bangladesh và Sri Lanka không lớn. Các nước châu Phi cũng chỉ mua gạo với khối lượng nhỏ.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức khoảng từ 378 - 395USD/tấn so với mức 385 - 388USD/tấn vào tuần trước. "Giá gạo giảm do đồng Baht suy yếu và thị trường yên tĩnh dù vẫn đang trong mùa vụ sản xuất. Dự kiến tình hình này sẽ còn tiếp tục trong tuần tới" một thương nhân cho biết.
Còn tại Việt Nam, giá chào gạo trắng thường 5% tấm hiện ở mức 398 – 400 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 373 USD/tấn (giá FOB). Trong khi đó, giá gạo trắng OM 5451 tại Lấp Vò (Đồng Tháp) được một số thương lái chào mua ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg, gạo nguyên liệu IR 50404 có giá 8.500 - 8.600 đồng/kg. Giá lúa gạo trong nước đã giảm mạnh trong 2 tuần đầu tháng 7 vừa qua.
Ngoài các áp lực về nguồn cung, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hơn 3% đối với đồng USD trong những ngày qua cũng đã phần nào ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, chỉ ra rằng, hàng triệu nông dân Việt Nam, trong đó có nông dân trồng lúa, sẽ bị thua thiệt, khi tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD giảm mạnh. Nguyên nhân là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nông sản của Việt nam là Trung Quốc. Khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, giá trị hàng xuất khẩu là rau quả, cao su,… xuất sang Trung Quốc sẽ thu được giá trị thấp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét