Thứ Ba

Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp

Theo khảo sát của Financial Times, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, trong khi tiềm năng của thị trường còn khá lớn với nhu cầu chi tiêu tăng mạnh, số lượng người chưa tiếp cận với dịch vụ tài chính còn nhiều.

Cho vay tiêu dùng còn thấp

Sự bùng nổ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam có thể chỉ mới bắt đầu và đang được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, thu nhập tăng cao và sự chuyển dịch sang ngành tài chính hộ gia đình.

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn thấp hơn những nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Trong hai năm qua, chỉ số cho vay tiêu dùng (Consumer Borrowing Index) của Việt Nam thấp nhất trong khu vực mặc dù lại có chỉ số về thu nhập và tiêu dùng cao nhất.

cho vay tieu dung o viet nam moi chi la bat dau
Các chỉ số về thu nhập, chi tiêu và vay nợ các hộ gia đình của các nước

Lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn tương đối trẻ trong khi các khoản vay hộ gia đình đã trở nên phổ biến tại nhiều nước Châu Á. Theo khảo sát của FT Confidential Research trong quý II, gần một nửa số người thành thị ở Việt Nam nói rằng họ không có bất kỳ khoản nợ nào. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia.

cho vay tieu dung o viet nam moi chi la bat dau
Kết quả khảo sát về nhu cầu vay nợ người dân của 5 nước

Thống kê chính thức cho thấy rằng các khoản vay tiêu dùng tín chấp chỉ ở mức 23 tỷ USD trong năm 2017, tương đương với khoảng 10% GDP của Việt Nam. Trong khi tại Thái Lan, nợ các hộ gia đình (gồm cả tín chấp và thế chấp) bằng khoảng 80% GDP.

Một lý do quan trọng khiến cho vay hộ gia đình còn thấp ở Việt Nam là do sự hạn chế tiếp cận tín dụng chính thức. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2017, có 41% người Việt không giao dịch với ngân hàng. Trong khi số người sở hữu thẻ tín dụng chỉ chiếm 4,1% người Việt trưởng thành, chưa bằng 1/2 ở Thái Lan và chỉ bằng 1/5 ở Malaysia, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Tiềm năng cho vay tiêu dùng còn nhiều

Với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình trong năm 2014 - 2016 với khoảng hơn 900.000 người chuyển từ nông thôn đến thành thị mỗi năm.

Điều này dẫn đến tiêu dùng cá nhân của Việt Nam (một thành phần của GDP) cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với nhiều khoản chi tiêu cho mua ô tô, thiết bị gia đình, điện thoại thông minh, các hoạt động giải trí như du lịch.

Tỷ lệ trả nợ vay/ thu nhập và tỷ lệ cấp khoản vay tiêu dùng tại các nước

Trên đường cong tín dụng hộ gia đình, Việt Nam ở khá xa phía sau Thái Lan, nơi người tiêu dùng đang phải vật lộn để trả nợ các khoản vay của họ. Theo khảo sát của chúng tôi, 2/3 người Việt Nam dành chỉ 20% hoặc ít hơn của thu nhập khả dụng hàng tháng của họ để trả nợ trong khi chỉ có 4% số người sử dụng hơn 50% tổng thu nhập vào việc trả nợ.

Việt Nam được nhận định là người vay có uy tín thanh toán. Trong số những người có tiếp cận với tín dụng ngân hàng, người tiêu dùng Việt Nam có tỷ lệ phê duyệt khoản vay cao nhất trong khu vực với 65% khoản vay được phê duyệt trong năm qua.

Thị trường cho vay tiêu dùng đang phục hồi

Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2012 và bùng nổ bong bóng bất động sản trong năm sau. Theo dữ liệu từ StoxPlus, các khoản vay tiêu dùng tín chấp tăng trung bình hàng năm là 45% từ năm 2013 đến năm 2017. Giai đoạn này được đánh dấu bằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng cũng là một sự chuyển đổi chiến lược từ bán buôn sang bán lẻ của các ngân hàng Việt Nam.

Lãi suất của các khoản vay do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp, nhóm mà đang chiếm khoảng 10% thị phần cho vay tiêu dùng, ở mức khá cao từ 20 - 50%/năm trong khi các khoản vay tại ngân hàng thương mại thường chỉ ở mức từ 10 - 20%/năm.

cho vay tieu dung o viet nam moi chi la bat dau
Tăng trưởng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam qua các năm

Hai công ty FE Credit và Home Credit đã tăng số lượng khách hàng của mình thêm 3 triệu người chỉ riêng trong năm 2017, nâng tổng lượng khách hàng mỗi công ty lên hơn 7 triệu người.

Đã có khoảng 16 công ty tài chính có sự thay đổi về sở hữu, hai trong số đó được mua bởi nhà đầu tư Hàn Quốc. Cụ thể, trong tháng 2/2018, Shinhan Financial Group đã mua lại Công ty tài chính tiêu dùng của Prudential tại Việt Nam với 151 triệu USD. Vào tháng 9/2017, Tập đoàn Lotte mua lại Công ty Tài chính Techcom với giá 76 triệu USD.

Việc gia nhập các công ty đa quốc gia lớn sẽ dẫn đến chi phí vốn thấp hơn cho ngành tài chính tiêu dùng. Nhận vốn từ các tổ chức tài chính là rất quan trọng đối với các công ty tài chính tiêu dùng vì họ không có quyền huy động tiền gửi từ khách hàng.

Ông Kalidas Ghose, giám đốc điều hành của FE Credit cho biết mặc dù cạnh tranh trong ngành là mạnh mẽ nhưng cũng nên lưu ý rằng chỉ có 15 - 20% dân số Việt Nam được phục vụ bởi các tổ chức tài chính ngân hàng và phi ngân hàng. "Chúng tôi hy vọng có càng nhiều người tham gia vào thị trường" - ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét