Thứ Tư

Biện pháp nào ngăn ngừa hành vi trục lợi 'chênh lệch lãi suất'?

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính - ngân hàng.
ty gia
Để giải quyết vấn đề "hưởng chênh lệch lãi suất" từ việc vay vốn ưu đãi rồi gửi vào ngân hàng, trước hết về phía các ngân hàng thương mại (NHTM) cần thấy rõ những rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động này; cần tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi vay, đảm bảo cho dòng vốn chảy vào đúng nơi cần vốn.

* PV: Thưa bà, theo phản ánh của báo chí, có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lớn được vay lãi suất ưu đãi rồi dùng số tiền này để gửi ngân hàng lấy lãi suất cao nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Bà có bình luận như thế nào về thực trạng này?

- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Trước hết phải khẳng định một số tập đoàn DN nhà nước, tập đoàn DN tư nhân lớn được một số NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi là bình thường. Bởi những DN này thường xuyên có tiền gửi lớn trong tài khoản ở ngân hàng. Ngoài quan hệ vay vốn, họ còn sử dụng nhiều dịch vụ khác như dịch vụ thanh toán (trả lương qua tài khoản, dịch vụ thẻ, thanh toán xuất nhập khẩu), mua bán ngoại tệ, bảo lãnh…Vì thế ngân hàng không chỉ có nguồn tiền gửi với lãi suất rất thấp (lãi suất không kỳ hạn), mà còn thu được các khoản phí khi DN sử dụng dịch vụ.

Trên thực tế dòng tiền vào DN và DN có nhu cầu vốn thường không khớp nhau. Có những thời điểm DN có khoản thu lớn, nhưng chưa có nhu cầu sử dụng, nên DN thường gửi kỳ hạn vào ngân hàng để hưởng lãi. Khi có nhu cầu cần vốn, nhưng khoản tiền gửi kỳ hạn chưa đến hạn, DN thường cân nhắc giữa việc vay ngân hàng với việc rút trước hạn khoản tiền gửi. Do đó không ít DN vừa có tiền gửi lớn và cũng có dư nợ lớn tại ngân hàng.
mui
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi
Song để kết luận một số DN lớn được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, rồi gửi vào chính ngân hàng đó, hoặc ngân hàng khác với lãi suất thị trường để hưởng chênh lệch, thì cần phải xem xét kỹ dòng tiền từng thời điểm, theo những hồ sơ cụ thể gắn với mục đích sử dụng vốn vay của DN. Sau khi xem xét kỹ những nội dung trên, nếu có hiện tượng này, cần phải có những biện pháp ngăn chặn để tránh tình trạng DN trở thành công cụ "buôn tiền" kiếm lời.

* PV: Trong khi nhiều DN nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn hoặc khó tiếp cận vốn, việc làm trên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế, thưa bà?

- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn và rất khó tiếp cận được vốn vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong bối cảnh đó tình trạng vốn lòng vòng từ ngân hàng, sang DN rồi lại gửi vào ngân hàng hưởng chênh lệch tại một vài tập đoàn DN lớn là không bình thường. Khi ngân hàng và DN có mối quan hệ thân hữu, luôn tiếp cận được khoản tín dụng giá rẻ với khối lượng lớn, lại sử dụng không đúng mục đích, điều này không chỉ lấn át tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa, mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho ngân hàng, khi dòng vốn lòng vòng, không đến được khu vực sản xuất, kinh doanh thực.

* PV: Liệu có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa bà?

- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Để giải quyết vấn đề "hưởng chênh lệch lãi suất" từ việc vay vốn rồi gửi vào ngân hàng, trước hết về phía các NHTM phải thấy rõ những rủi ro ­­tiềm ẩn từ hoạt động này, cần tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi vay, đảm bảo cho dòng vốn chảy vào đúng nơi cần vốn.
Nguồn https://vietnambiz.vn/chu-de/lai-suat-ngan-hang.topic/
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tăng cường thanh tra giám sát việc thực hiện một số quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, nếu phát hiện tình trạng DN "vay – gửi" kể cả ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất, cần xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý về hoạt động tín dụng, thanh toán của các tổ chức tín dụng để minh bạch và lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét